21:22 21/06/2024
Nguyên nhân chính rút ra từ những con số cụ thể
Từ năm 2021 đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 17 cuộc ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, riêng 4 tháng đầu năm 2024 đã có 4 cuộc ngừng việc tập thể của CNLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có những cuộc ngừng việc tập thể tính chất rất phức tạp, số lượng người tham gia đông, thời gian giải quyết kéo dài. Do đó, đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng môi trường đầu tư, gây thiệt hại về kinh tế đối với người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã ngừng việc tập thể kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động
Dẫn chứng rõ nét nhất là cuộc ngừng việc tập thể của gần 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory, đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu năm 2023, kéo dài trong 6 ngày. Điều đáng nói, đây là lần ngừng việc tập thể thứ 3 tại công ty này, dù công ty chỉ mới đi vào hoạt động được 3 năm.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam - người đã trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ việc ngừng việc tập thể cho biết: “Qua quá trình tham gia xử lý, giải quyết các vụ việc, nhận thấy các cuộc đình công trái pháp luật chủ yếu là do mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, mà một trong những nguyên nhân chính trong đó là việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa người sử dụng lao động và người sử dụng lao động chưa được thực hiện thường xuyên, thấu đáo; việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội,…; những vấn đề về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, lắng nghe tâm tư, tiếng nói của người lao động chưa thực sự quan tâm đúng mức”.
Theo anh Vũ Duy Từ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu: “Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động của một số công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là công tác nắm bắt, định hướng thông tin, tuyên truyền, vận động người lao động và chủ sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển”.
Kịp thời nắm bắt thông tin để giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở
Đại Hội XIII, Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã xác định: Tăng cường công tác nắm bắt thông tin, lắng nghe phản ánh từ cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, chính sách của các doanh nghiệp. Nắm chắc tình hình công nhân, quan hệ lao động… góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Cán bộ công đoàn đã đến tận phân xưởng sản xuất để theo dõi và nắm bắt tâm tư người lao động kịp thời
Cán bộ công đoàn phải thường xuyên sâu sát cơ sở, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Nắm vững kỹ năng nắm bắt thông tin dư luận xã hội, kỹ năng tổ chức tham gia, giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Lựa chọn thời điểm, kịp thời, chủ động làm việc với chủ doanh nghiệp để trao đổi những vấn đề có thể phát sinh mâu thuẫn; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm các các quy định của pháp luật; thuyết phục, thương lượng để có các chế độ chính sách có lợi hơn cho người lao động, đảm bảo để doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Để làm tốt công tác nắm bắt, định hướng thông tin cho CNLĐ và người sử dụng lao động trước tiên cần tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt để kịp thời nắm bắt được tư tưởng, tâm trạng và dư luận trong đoàn viên, CNVCLĐ để kịp thời giải quyết các thắc mắc, bức xúc của người lao động, xử lý tốt ngay tại cơ sở. Lực lượng nòng cốt là báo cáo viên, công tác viên dự luận, cán bộ phụ trách công tác thông tin, nắm bắt dự luận tại CĐCS.
Đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Bí thư Đảng ủy Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên đóng tại khu CN Bắc Vinh chia sẻ: “Cần có sự tham gia của CNLĐ để làm cánh tay nối dài nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đưa các thông tin đến CNLĐ cũng như phản ánh thông tin đến tổ chức Công đoàn. Phải lựa chọn những CNLĐ có bản lĩnh, trách nhiệm, nhiệt tình, có uy tín, được đa số CNLĐ tin tưởng. Những người này không công khai danh tính, được tổ chức Công đoàn, cấp ủy Đảng chăm lo, bồi dưỡng về chính trị, kỹ năng, đặc biệt là được chăm lo, bảo vệ về quyền lợi, kịp thời biểu dương, khen thưởng”.
Định hướng thông tin đi liền với đa dạng hóa hình thức thông tin
Cùng với việc xây dựng đội ngũ, các cấp công đoàn cần thiết lập các kênh thông tin phục vụ việc nắm bắt, định hướng thông tin; chủ động cung cấp thông tin chính thống, nguồn thông tin đáng tin cậy, nội dung thông tin chính xác, đầy đủ về những vấn đề CNLĐ, người sử dụng lao động quan tâm. Đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền, nhất là việc khai thác, sử dụng thông tin trên nền tảng truyền thông mạng xã hội phục vụ công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cho CNLĐ, không để “khoảng trống” thông tin trên internet; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin.
Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, cùng các anh chị cán bộ công đoàn chuyên trách đax trực tiếp đến thăm hỏi công nhân lao động tại hiện trưởng
Theo đồng chí Trần Thị Vân, chuyên viên Ban Tuyên giáo – Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An: “Cần kịp thời kiểm chứng thông tin để có các tin, bài, comment tuyên truyền, phản bác, vạch rõ những thủ đoạn tuyên truyền mà các thế lực thù địch thường sử dụng để tác động lên sự hình thành dư luận tiêu cực và thay đổi ý kiến, thái độ của CNLĐ. Kêu gọi các tập thể, cá nhân có uy tín, cơ quan báo chí chính thống, cơ quan chức năng cùng vào cuộc để định hướng thông tin, đấu tranh, phản biện. Tiếp cận ngay những doanh nghiệp có CNLĐ đang bị tác động về tư tưởng, hoặc có những nhìn nhận vấn đề chưa đúng để nắm bắt, tuyên truyền, vận động, thuyết phục…”.
Kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, nhờ nắm bắt, định hướng thông tin kịp thời, hiệu quả, các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An đã tích cực tham gia, phối hợp hợp hiệu quả trong phòng ngừa, xử lý nhanh các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật trên địa bàn. Các giải pháp đang tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, triển khai thực hiện trong các cấp công đoàn toàn tỉnh.
Để góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo tinh thần Đại hội XIII, Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đề ra, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra cho các cấp công đoàn là phải luôn xác định công tác nắm bắt, định hướng thông tin trong CNLĐ là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được tập trung đẩy mạnh. Từ đó, kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn, phản bác với các tin giả, thông tin sai lệch; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Thanh Thuỷ
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP