22:43 12/08/2022
Tăng lương, đừng giảm phụ cấp, tiền thưởng
Chị Hoài Thanh (công nhân KCN Bắc Vinh) cho biết, lương cơ bản hiện nay của chị là 5 triệu đồng/tháng. Chị Thanh được hưởng một số khoản phụ cấp, cộng với tăng ca thì tổng thu nhập của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. “Với mức thu nhập này, tôi phải chắt chiu, tằn tiện mới đủ trang trải các chi phí sinh hoạt trong gia đình. Tôi cũng mong công ty tăng lương cho công nhân nhưng không cắt giảm các khoản phụ cấp, tiền thưởng lễ, Tết… có như vậy mới đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay” - chị Thanh cho hay.
Người lao động mong chờ tăng lương để nâng cao đời sống
Anh Nguyễn Duy An (Khu công nghiệp VSIP Nghệ An) làm công nhân được 3 năm, gia đình anh hiện có 4 người đang thuê trọ tại xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên). Căn phòng hai vợ chồng thuê chỉ khoảng 10m2, ngoài vợ chồng anh còn có 2 con nhỏ. Khi được hỏi về thu nhập, anh An cho biết: Lương mỗi tháng trung bình cả hai vợ chồng hơn 10 triệu đồng nhưng do nuôi con nhỏ nên phải chấp nhận ở phòng nhỏ hẹp, hạn chế tối đa các vật dụng nhằm tiết kiệm chi phí, có tiền lo bỉm sữa, học hành cho các con. “Lương tối thiểu vùng là gì tôi cũng không rõ. Nhưng công nhân chúng tôi cứ được tăng lương là mừng trước đã. Hy vọng công ty không vì tăng lương tối thiểu mà cắt giảm các khoản phụ cấp của công nhân. Có như vậy công nhân chúng tôi mới cải thiện được cuộc sống” - anh Nguyễn Duy An chia sẻ về thông tin lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng 6% từ ngày 1/7/2022.
Điều mà chị Lê Thị Thương (Công ty TNHH Royal Food Nghệ An) thấy vui mừng là ngoài tăng lương lần này, công ty còn tăng các khoản phụ cấp như: Tay nghề, phụ cấp xưởng; vị trí; Phụ cấp nặng, nóng; chuyên cần; phụ cấp xăng xe… tổng các khoản phụ cấp này chị được hơn 3 triệu đồng. Chị Thương cho biết: “Thu nhập có tăng, nhưng tôi cũng phải chi rất nhiều khoản. Riêng tiền học của các con cũng đã 3 triệu đồng, còn bao nhiêu khoản phải chi nữa. Tháng nào con cái, cha mẹ già ốm đau thì coi như hết, chắt bóp lắm mỗi tháng tôi cũng chỉ để dành được 1-2 triệu đồng”.
Công đoàn sẽ giám sát việc thực hiện tăng lương
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH may An Nam Matsuoka (KCN VSIP Nghệ An) cho biết: hiện nay, mức lương cơ bản mà công ty chi trả cho công nhân đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Hằng năm, công ty vẫn tiến hành tăng lương cơ bản cho những công nhân chấp hành tốt nội quy, siêng năng chăm chỉ, đạt sản lượng tốt. Từ trước đến nay, công ty không có việc tăng lương mà lại cắt, giảm các khoản phụ cấp. Khi chính thức có nghị định tăng lương tối thiểu vùng, Công đoàn công ty sẽ họp với Ban lãnh đạo công ty để thương lượng, đưa ra mức tăng và thông báo rộng rãi đến người lao động.
Cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam làm việc cùng Công đoàn cơ sở Công ty TNHH may An Nam Matsuoka về thực hiện tăng lương tối thiểu vùng
Theo ông Nguyễn Anh Thương - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam (KCN Nam Cấm) thì cần xác định rõ, mục tiêu của việc tăng lương tối thiểu là để đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất lao động. Chủ trương của Chính phủ tăng lương tối thiểu chính là để đảm bảo thu nhập thực tế của người lao động. Vì vậy, Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp thấy doanh nghiệp vi phạm thì cần phải có trách nhiệm làm việc với chủ sử dụng lao động, đề nghị tăng lương vẫn phải giữ được phụ cấp. Đặc thù là doanh nghiệp có đông lao động, chúng tôi lường trước những căng thẳng trong quan hệ lao động có thể xảy ra, khi thực hiện tăng lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp, để có những sự chuẩn bị cho cả chủ sử dụng và người lao động có thể đồng thuận chia sẻ lợi ích, việc tuyên truyền tới chủ doanh nghiệp, cũng như nâng cao ý thức kỷ luật, năng suất lao động của người lao động cần được các CĐCS quan tâm, chú trọng.
Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam Vương An Nguyên cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022, về việc tăng lương tối thiểu vùng, Công đoàn Khu Kinh tế đã đề nghị các công đoàn cơ sở cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP tại các doanh nghiệp. Đồng thời, các công đoàn cơ sở cần tập hợp, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng như pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.
Trong điều kiện cạnh tranh cung cầu lao động như hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng cách giữ người bằng chế độ lương thưởng. Vì vậy, sẽ rất ít doanh nghiệp tăng lương mà cắt giảm các khoản phụ cấp, bởi những khoản này được công nhân nắm rất chắc. Bên cạnh đó, những khoản phụ cấp này đều là cơ bản, thiết yếu. Qua nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát, hiện nay chưa có hiện tượng doanh nghiệp tăng lương mà cắt giảm phụ cấp - ông Vương An Nguyên cho biết thêm.
Hoàng Yến
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP