chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử công đoàn tỉnh nghệ an

Thắm tình hữu nghị Việt - Lào

23:00 01/07/2022

Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
                                                           (Hồ Chí Minh)

 

Mấy vần thơ dung dị mà dạt dào cảm xúc của Bác đã nói lên tình đoàn kết sâu nặng, tình hữu nghị đặc biệt keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào. Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của hai Đảng, hai Nhà nước, năm 2017, LĐLĐ tỉnh Nghệ An và Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng đã ký thiết lập quan hệ song phương theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.   

 

Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng đã có chuyến làm việc với LĐLĐ tỉnh Ngh An năm 2019

 

Ngày 04/7/2022, đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng có chuyến làm việc với LĐLĐ tỉnh Ngh An để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng giai cấp công nhân trong bối cảnh cùng bước vào hội nhập, từ đó góp phần nâng cao mối quan hệ hữu nghị giữa 2 tỉnh trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.

Để các hoạt động thiết thực, sâu rộng và bổ ích, qua đó góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị bền vững giữa 2 nước  Việt Nam - Lào, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về thiên nhiên đất nước, con người và văn hoá Lào, hoạt động của Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng - Lào, để từ đó ta càng tin yêu hơn những người bạn, người anh em gần gũi.

 

Đất nước, con người

Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Có tổng diện tich  236.800km2, có đường biên giới giáp 5 nước: Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp My-an-ma, phía tây giáp Thái Lan. Phía nam giáp Căm-Pu-Chia, và phía đông giáp Việt Nam. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 10 tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam với chiều dài 2067 km (riêng đường biên giới chung với Nghệ An là 420km, gồm 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly Khăm xay). Thủ đô là Viêng Chăn. Dân số của Lào hiện nay có khoảng 7 triêu người, bao gồm ba bộ tộc chính là Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng, ngoài ra còn có một số ít là người Việt, Người Hoa, người Thái cùng chung sống.. Rừng núi chiếm 3/4 diện tích, có nhiều lâm sản, động vật và khoáng sản quý hiếm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Có dòng Mê-công chảy từ bắc xuống nam dài 1.865km. Có núi Phu-bia cao 2.820m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất nước Lào. Có cố đô Luông-pha-ra-băng là di sản văn hoá thế giới, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch. Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), núi Phú Xỉ, chùa Vạtxixun (Luông pha băng), Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, hang Thẳm tình...

 

Ngôi chùa cổ nhất và quan trọng ở cố đô Luông Pha băng, được xây dựng trong giai đoạn 1559-1560. Với ý nghĩa tâm linh và nét kiến trúc độc đáo

 

Có cuộc sống yên ả, thanh bình và thơ mộng. Người Lào thật thà, hiền hoà, dễ mến, ít tranh đua, ít khi lớn tiếng cãi cọ nhau. Tính cách ấy biểu hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và dáng điệu của mỗi con người. Trong gia đình họ chung sống hoà thuận, ra đường kẻ dưới cung kính chào người trên, trẻ con chắp tay chào người lớn và đặc biệt họ rất quý trọng tình bạn, quý trọng chữ tín. Chuyện vợ chồng ly hôn cũng rất ít khi xảy ra, vì nó bắt nguồn từ những phong tục thuần hậu truyền đời. Nếu như với người phụ nữ Việt Nam là “tam tòng tứ đức”, thì người phụ nữ Lào là “hươn xảm nậm xi” (ba nhà bốn nước) được giáo dục từ khi còn tấm bé. Đây cũng là nét văn hoá, phong tục đặc sắc của người Lào.

Hươn xảm (ba nhà) là hươn non, hươn khùa, hươn phôm: Có nghĩa là  người phụ nữ Lào phải luôn biết chăm sóc Nhà cửa, phòng ngủ lúc nào cũng phải sạch; bếp phải sạch sẽ gọn gàng; đầu tóc phải sạch sẽ thơm tho, tuyệt đối không để tóc rụng vương vãi trong nhà.

Nậm xi (bốn nước) là: Nậm chay: Chay tiếng Lào có nghĩa là Tim, là tấm lòng. Khi nào trong lòng cũng phải vui vẻ với chồng và gia đình nhà chồng.

Phụ nữ Lào khi thường kín đáo, e ấp trong giao tiếp, rất hiếm khi thấy họ có những cử chỉ suồng sã kể cả trong gia đình cũng như ra ngoài xã hội.

 

Văn hoá Lào

Lào là đất nước của bốn mùa lễ hội. Hầu như tháng nào cũng có lễ hội, cả nước có trên 2.000 ngôi chùa lớn nhỏ, chùa chiền đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau, chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội là biểu hiện của văn hoá tâm linh phật giáo từ, bi, hỉ, xả đã ăn sâu vào máu thịt bao đời người dân các bộ tộc Lào, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh mà quyến rũ.

Tết Lào có nhiều, Tết gọi là “Bun”, như Bunphavét (Phật Hoá thân), Bunvysaka (Phật đản), Bunkhaobansa (mùa chay), Bunkhaodaladin (tưởng nhớ người đã mất), Bunsoangho (hội đua thuyền), lễ hội Thạt Luổng - lễ hội rất lớn diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn vào trung tuần tháng 11…

Tiêu biểu nhất, trọng thể nhất là Tết cổ truyền Bun Pi May (Tết năm mới) vào ngày 13/4 đến 16/4 hàng năm còn gọi là Tết té nước. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đầu tiên họ tưới nước lên các tượng Phật, sau đó té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, rồi đến những người xung quanh. Họ còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no. Trong dịp tết còn có lễ phóng sinh, lễ Buộc chỉ cổ tay chúc phúc… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

 

Tết cổ truyền Bun Pi May

 

Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác đã hun đúc nên tâm hồn, cốt cách và văn hoá của người Lào. Qua thời gian, được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Bun hốt nậm (Tết Té nước) để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… một mỹ tục rất đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, dẫu chỉ một lần mà lưu luyến mãi, vấn vương đến trọn đời.

 

Tỉnh Xieng Khouang

 Cách thủ đô Vientiane (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) 435km về phía Tây Nam có một cao nguyên rộng lớn với khí hậu mát mẻ và rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Tỉnh Xieng Khouang nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, giáp với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Vùng đất này có địa hình và phong cảnh đa dạng với suối nước nóng, rừng cây, thác nước tuyệt đẹp cùng các di tích…

 

Bí ẩn Cánh đồng Chum

Nổi tiếng nhất ở Xieng Khouang là di tích Cánh đồng Chum được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với hơn 2.000 chiếc chum bằng đá đủ hình dạng và kích thước, có niên đại từ khoảng năm 500 trước công nguyên tới năm 500 sau Công nguyên. Những chiếc chum đá nằm rải rác nhiều nơi ở Xieng Khouang. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 điểm quanh thị xã Phonsavan được đưa vào khai thác du lịch; địa điểm thứ nhất có khoảng 250 chum, địa điểm thứ hai với 100 chum và địa điểm thứ ba có hơn 100 chum. Các khu vực còn lại vẫn đang được nghiên cứu vì còn nhiều bom mìn chưa được rà phá triệt để.

 

 

Cánh đồng Chum

 

Những chiếc chum cao trung bình 1 - 2m, có chiếc cao tới 3,5m, nặng hàng chục tấn. Phần lớn các chum đều không có nắp, cái thì trồi lên mặt đất, cái thì chìm một phần dưới đất, miệng chum hình elip, vuông, tròn... Điều lạ lùng là xung quanh khu vực này không có núi đá. Người cổ đại đã đục đẽo chế tác ra những chiếc chum khổng lồ này ở đâu và vận chuyển bằng cách nào tới Xieng Khouang, đến nay đó vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra như những chiếc chum được tạo ra để đựng rượu ăn mừng chiến thắng trong triều đại vua Khun Cheung.

Có ý kiến cho rằng vì vào mùa khô hạn, ở Xieng Khouang thiếu nước trầm trọng nên người xưa đã làm những chiếc chum khổng lồ này để tích nước. Các nhà khảo cổ lại tin rằng đây là những bình đựng di cốt liên quan đến nghi thức an táng thời tiền sử khi phát hiện ra nhiều hài cốt, đồ bồi táng và gốm sứ quanh những chiếc chum đá.

Cánh đồng Chum nằm ở nơi giao nhau giữa hệ thống sông Mekong và sông Hồng nên có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và trao đổi văn hóa, sự phân bố của các chum đá khắp Xieng Khouang được cho là gắn liền với các tuyến đường bộ buôn bán trao đổi và chúng là bằng chứng nổi bật nhất của nền văn minh thời đại đồ sắt.

 

Thác nước và suối nước nóng

Thác Kha là thác nước nổi tiếng ở gần ngôi làng Khang Phanieng, huyện Nong Het. Thác Kha nằm ẩn mình trong những vách đá vôi và những thác bậc thang dài hơn 100m, xen kẽ là những thác dốc. Ngoài ra, thác Tad Kha ở gần làng Tajok cũng rất thú vị. Bạn sẽ phải đi bộ theo đường mòn trong rừng để tới thác. Đây là một điểm đến nổi tiếng đối với người dân địa phương, đặc biệt là trong những ngày lễ tết của Lào. Nằm ở quận Kham, khoảng 50km về phía bắc Phonsavan, là một suối nước nóng rất ít khách du lịch. Lý tưởng nhất là bạn đi bộ 3 - 4 giờ dọc theo thung lũng sông Mat đến Cánh đồng Chum. Sau đó, quay trở lại để ngâm mình trong suối nước nóng thật sảng khoái.

 

Thác Kha

 

Không sôi động, không hoành tráng, Xieng Khouang đem đến một cảm giác thanh bình, thoải mái. Vùng đất này thu hút khách du lịch chính bởi sự giản dị, trong lành và tình cảm mến khách của người dân địa phương. Tới Xieng Khouang, bạn sẽ thấy một đất nước Lào hấp dẫn với nhiều cảnh quan hoang sơ, thiên nhiên trong lành và nguyên thủy.

 

Đoàn cán bộ Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng thăm làm việc tại Ngh An  2019

Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng là một cơ quan tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, hiện nay Liên hiệp Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng có 5 ban như: Ban Văn phòng điều hành, Ban Tổ chức kiểm tra, Ban Tuyên truyền, Ban Thi đua khen thưởng; Ban Bảo vệ quyền lợi ích của công nhân. Có cán bộ chuyên trách CD là 20 đồng chí, nữ 8 đồng chí, có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch, nữ 3 đồng chí; có Ban điều hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh có tổng số 25 đồng chí. Toàn tỉnh có 14 Liên hiệp, trong đó có 01 Liên hiệp Công đoàn tỉnh, 7 Liên hiệp Công đoàn Huyện, 4 Liên hiệp Công đoàn ban ngành, 01 Liên hiệp Công đoàn dự án và 1 Liên hiệp Công đoàn Cao đẳng sư phạm, có 648 Công đoàn cơ sở, có tổng số thành viên công đoàn là 9.863 đồng chí, nữ có 4.575 đồng chí.

 Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.

Thu Nhi

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Đồng loạt tổ chức chào cờ, hát Quốc ca trong Tháng Công nhân
09:43 03/04/2024

Video quay lại cảnh hơn 1.000 công nhân lao động Công ty TNHH Wooin Vina (đóng tại huyện Diễn Châu) mặc áo cờ đỏ sao vàng đứng chào cờ, hát Quốc ca ngay tại xưởng sản xuất được Liên đoàn Lao động  tỉnh tuyên truyền trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đó là hình ảnh đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều cảm xúc mãnh liệt.


Tháng Công nhân trở thành điểm nhấn hoạt động công đoàn của năm 2024
13:55 27/03/2024

Với nhiều kế hoạch thực hiện các khâu đột phá, năm 2024 sẽ là một năm có nhiều điểm nhấn quan trọng của tổ chức Công đoàn Nghệ An. Trong đó, Tháng Công nhân hứa hẹn nhiều hoạt động sáng tạo có tính lan toả cao.


Vấn đề thu hút lao động tại Khu kinh tế Đông Nam
15:25 05/03/2024

Năm 2024, Khu Kinh tế Đông Nam, một số dự án tiếp tục mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có nhiều khởi sắc.


Công ty may mặc lớn nhất Nghệ An dùng cơ chế thưởng để thu hút lao động
14:07 29/02/2024

Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An đang cần tuyển dụng gần 3.000 công nhân lao động trên địa bàn cho 3 nhà máy may trực thuộc.


Cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động tại địa phương
15:56 22/02/2024

Chuyển dịch lao động về địa phương lao động sản xuất đang là xu hướng và mong muốn của người lao động  và doanh nghiệp. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Giáp Giáp Thìn 2024, có hàng chục nghìn lao động người Nghệ An trở về quê có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp ngành, chính quyền các địa phương  và tổ chức công đoàn  phải vào cuộc nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm và ổn định việc làm.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP