17:52 06/05/2021
Hơn 80% doanh nghiệp có công đoàn cơ sở ở Nghệ An đã có Thỏa ước lao động tập thể
Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có hơn 517 doanh nghiệp (DN) có công đoàn cơ sở, sử dụng gần 61.000 lao động, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, hằng năm, Công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, để đoàn viên công đoàn, người lao động được tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung vào kế hoạch hoạt động, quy chế nội bộ... Đồng thời, Công đoàn cơ sở chủ động đối thoại với chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động ký thỏa ước lao động doanh nghiệp. Đến nay, có 418/517 doanh nghiệp có CĐCS thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đạt 80,8%. Năm 2020, có 63 bản thỏa ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, doanh nghiệp, phù hợp với nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; 30 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới.
Một số Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả luôn duy trì việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT, thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung TƯLĐTT cho phù hợp với khả năng, điều kiện của Doanh nghiệp. Nội dung TƯLĐTT của một số Doanh nghiệp đã có nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Chế độ hiếu hỷ, đảm bảo việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn giữa ca, tặng quà sinh nhật, trợ cấp khó khăn đột xuất, thi đua khen thưởng và các chế độ phúc lợi khác. Điển hình là thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Hùng Tiến, Công ty CP Dược liệu Pù Mát, TYM Chi nhánh Quỳnh Lưu, Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen Nghệ An...
Anh Thái Lê Cường – Chủ tịch LĐLĐ TP Vinh chia sẻ: “qua việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, người lao động được hưởng nhiều lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật, nhất là về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; lương, thưởng. Cùng với đó là được đào tạo chuyên môn, cải thiện điều kiện làm việc; chế độ ăn ca, bồi dưỡng sức khỏe; được trợ cấp khó khăn đột xuất, phương tiện đi lại…”.
Những hạn chế về Thỏa ước vẫn còn lặp lại!
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai ký kết TƯLĐTT ở các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh thời gian vừa qua còn nhiều số hạn chế. Tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết TƯLĐTT còn thấp. Chất lượng các bản TƯLĐTT tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nội dung còn hình thức, chủ yếu sao chép lại các điều khoản quy định trong Bộ luật Lao động; rất ít doanh nghiệp tổ chức thương lượng thực sự để mang lại lợi ích cho người lao động trước khi ký kết TƯLĐTT. Một số bản TƯLĐTT chưa cập nhật kịp thời các quy định mới của pháp luật; TƯLĐTT sau khi ký kết không được phổ biến đến người lao động, không gửi về Sở Lao động Thương binh & Xã hội và Công đoàn cấp trên; một số công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS chưa quan tâm đến việc đánh giá, sửa đổi, bổ sung và theo dõi, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chưa thực hiện việc chấm điểm chất lượng các bản TƯLĐTT. Trên thực tế, một số Chủ tịch CĐCS còn phản ánh việc thỏa thuận chất lượng bữa ăn ca trong TƯLĐTT gặp nhiều khó khăn, chưa có chế tài để yêu cầu doanh nghiệp phải nâng mức bữa ăn ca nên bữa ăn hiện tại của công nhân chưa được đảm bảo.
Nguyên nhân các hạn chế trên chủ yếu là do: Nhiều CĐCS chưa tích cực, chưa chủ động thương lượng để ký thỏa ước, hoặc còn thiếu kỹ năng trong thương lượng với chủ doanh nghiệp, hạn chế về kiến thức pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm, hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp nên còn ngại va chạm với người sử dụng lao động; năng lực, kỹ năng hoạt động công đoàn hạn chế. Công đoàn cấp trên cơ chưa bám sát hướng dẫn trực tiếp cụ thể cho cán bộ công đoàn cơ sở. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến hoạt động công đoàn nên khó thành lập tổ chức công đoàn; việc phối hợp tổ chức hội nghị lao động, đối thoại gặp nhiều khó khăn. Bản thân người lao động vẫn còn tư tưởng làm công ăn lương, chưa nghiên cứu những quy định liên quan tới bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nên thiếu kiến thức trong việc tham gia ý kiến vào bản thỏa ước lao động tập thể...
Phấn đấu 30% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại A
Để giải quyết những hạn chế nêu trên, theo đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An: "tổ chức công đoàn tỉnh cần nhận thấy được ký kết TƯLĐTT là một vấn đề đầy thách thức, cấp thiết trong hoạt động công đoàn trong thời gian tới, khi mà quan hệ lao động ngày càng phức tạp. Khó khăn nhất trong công tác này là những người trực tiếp thương lượng nội dung cho các TƯLĐTT là các cán bộ công đoàn tại các CĐCS chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về pháp luật”. Đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu: “Các cấp công đoàn nên tìm cách thức tiếp cận mới để giải quyết vấn đề này một cách thực chất, hiệu quả hơn, cần xem chất lượng TƯLĐTT là thước đo năng lực của cán bộ công đoàn. Đồng thời, các cấp công đoàn cũng cần tổng rà soát lại số lượng, chất lượng các bản TƯLĐTT, xây dựng đề án nâng cao chất lượng TƯLĐTT, nâng mức hỗ trợ về vật chất cho những cán bộ trực tiếp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp cũng như có hình thức tôn vinh, lan tỏa những bản TƯLĐTT có chất lượng đến với các doanh nghiệp”.
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết 01/NQ-ĐCT về TƯLĐTT năm 2020, phướng hướng nhiệm vụ năm 2021
Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ thương lượng, ký kết thỏa ước tại doanh nghiệp; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ chủ chốt CĐCS trong doanh nghiệp; Tiếp tục tăng cường đôn đốc đội ngũ chuyên gia hoạt động theo hướng tích cực bám sát cơ sở để hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết; thực hiện việc rà soát các bản Thỏa ước; các bản TƯLĐTT hết hạn phải được thương lượng ký kết lại và gửi Sở LĐTB & XH tỉnh hoặc Ban quản lý Khu kinh tế...
Với những giải pháp đưa ra, các cấp công đoàn tỉnh Nghệ An phấn đấu trong năm 2021 có 100% doanh nghiệp nhà nước; trên 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết TƯLĐTT, trong đó có ít nhất 30% bản TƯLĐTT đạt loại A. Việc nâng cao chất lượng TƯLĐTT là góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Diệu Hoa
THÔNG BÁO
Kế hoạch tổ chức Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP