chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử công đoàn tỉnh nghệ an

Văn hóa doanh nghiệp: Chuyện giao tiếp, ứng xử tại các doanh nghiệp FDI ở Nghệ An

07:51 18/02/2022

Không ít người cho rằng, mâu thuẫn, bất đồng giữa chủ sử dụng lao động người nước ngoài và lao động người Việt ở các doanh nghiệp FDI là không thể nào cải thiện. Điều này có thật sự đúng?

 

NHỮNG KHÓ KHĂN TẤT YẾU

Khó khăn đầu tiên mà các doanh nghiệp FDI gặp phải chính là khác biệt giữa chủ sử dụng lao động và người lao động về ngôn ngữ, văn hóa. Từ những bất đồng cơ bản cộng với những bất lợi trong môi trường làm việc có thể dẫn đến những hiểu nhầm không đáng. Anh Nguyễn Văn Thanh - phiên dịch viên của Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương) chia sẻ: “Tôi cũng từng gặp những tình huống chủ sử dụng lao động biết chút ít tiếng Việt, sử dụng chưa chính xác từ ngữ dẫn đến công nhân hiểu nhầm nhau. Đó chính là lý do đội ngũ phiên dịch viên vô cùng quan trọng”.

Công nhân Công ty TNHH Viet Glory đình công những ngày qua. Ảnh: D.T

Thường xuyên làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp FDI, chị Nguyễn Hoàng Yến - Công đoàn KKT Đông Nam chia sẻ: “Ai cũng muốn xây dựng một môi trường làm việc lịch sự, văn minh nhưng không dễ để biến mong muốn đó thành hiện thực. Bên cạnh những tình huống hiểu nhầm nhau vì bất đồng ngôn ngữ thì không gian ồn ào, bức bí của các nhà xưởng cũng khiến mọi người phải nói lớn tiếng với nhau mới nghe rõ. Có những tình huống dở khóc dở cười khi nói lớn cũng không nghe, hoặc nghe câu được câu mất dẫn đến hiểu sai ý nhau cũng khiến mọi người dễ cảm thấy bức xúc. Ngoài ra, tác phong, trình độ cũng là một rào cản lớn mà các doanh nghiệp cần vượt qua. Tôi đã nghe nhiều cán bộ lãnh đạo công ty chia sẻ rằng, họ mất kiên nhẫn vì nói mãi mà công nhân không hiểu hoặc nhắc nhở nhiều lần nhưng công nhân vẫn vi phạm”.

Là doanh nghiệp FDI chuyên gia công, sản xuất găng tay thể thao, quần áo thể thao đóng tại Cụm công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn, Công ty TNHH Haivina Kim Liên đã hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An 10 năm nay. Chia sẻ về những khó khăn trong những năm đầu thành lập, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn công ty nói: “Hạn chế mà chúng tôi gặp phải lại nằm ở đội ngũ quản lý người Việt - bộ phận trung gian giữa lãnh đạo người nước ngoài và công nhân người Việt. Công ty đã từng phải xử lý nghiêm, thậm chí đuổi việc, những trường hợp đội ngũ quản lý người Việt dùng những ngôn ngữ không chính xác, lăng mạ, xúc phạm công nhân trong quá trình bàn giao, chỉ đạo công việc”.

GỠ KHÓ TỪNG VẤN ĐỀ

Những bất lợi, bất đồng trên có thể cải thiện? Câu trả lời là có. Bằng thiện chí và sự chuyên nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã xây dựng được một môi trường làm việc văn minh, lịch sự trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Bầu không khí vui vẻ, thân thiện giữa lãnh đạo người Hàn Quốc và người lao động Việt Nam tại Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương). Ảnh: Tư liệu

Tại Công ty TNHH Liên doanh Nguyên liệu giấy Nghệ An PP (Nghi Lộc), suốt 17 năm hoạt động, công ty có đến 70% người lao động gắn bó trên 3 năm. Trong đó, 40% lao động gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu thành lập. Chia sẻ về “bí quyết” của Ban lãnh đạo người Đài Loan và Trung Quốc, chị Phạm Thị Hậu - Chủ tịch Công đoàn công ty nói: “Lãnh đạo công ty cực kỳ quan tâm đến người lao động và ủng hộ mọi chương trình của công đoàn. Không chỉ hỗ trợ thêm kinh phí cho công đoàn công ty hoạt động, Ban giám đốc còn dành rất nhiều thời gian để nắm bắt đời sống, gia cảnh từng công nhân, chủ động xây dựng các chương trình phúc lợi, quan tâm đến chăm lo sức khỏe người lao động một cách chân thành… Trong trao đổi công việc, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng không bao giờ xảy ra to tiếng. Có bất cứ thắc mắc, hiểu nhầm nào từ phía công nhân, công đoàn công ty sẽ nắm bắt ngay và để lãnh đạo công ty điều tra, điều chỉnh, đính chính cặn kẽ cho người lao động, không để mâu thuẫn lớn lên”.

Chị Hậu cũng thành thật, so với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, mức lương ở công ty còn thấp, nhưng vì môi trường thân thiện, tình cảm nên nhiều lao động vẫn muốn gắn bó lâu dài.

Giao lưu thể thao không chỉ đem lại lợi ích sức khỏe thể chất, tinh thần cho người lao động mà còn là cơ hội để lãnh đạo và công nhân thêm gắn bó. Trong ảnh là giải thể thao tại Công ty TNHH Royal Food Nghệ An. Ảnh: Tư liệu

Tại Công ty TNHH Royal Food Nghệ An, để tạo môi trường gắn bó, đoàn kết giữa đội ngũ lãnh đạo người Thái Lan và gần 600 công nhân lao động người Việt, hàng năm công ty đều tổ chức một ngày tất niên cuối năm với các hoạt động như giao lưu, ca nhạc, trò chơi, liên hoan... Suốt 10 năm nay, ngày đặc biệt này đã trở thành một nét văn hóa được mong đợi nhất của tất cả mọi người, từ lãnh đạo cấp cao nhất đến công nhân lao động. Ông Nguyễn Trung Tiến - Chủ tịch Công đoàn công ty cho rằng, vai trò của đội ngũ quản lý người Việt trong việc giữ được sự đoàn kết cũng vô cùng quan trọng. Đội ngũ trung gian này cần là lực lượng kết nối công bằng, thân thiện, gần gũi, phản ánh trung thực, tư vấn chính xác tất cả các vấn đề để quản lý doanh nghiệp không có suy nghĩ người Việt bênh vực người Việt, công nhân không có suy nghĩ quản lý thì bênh quản lý.

Lãnh đạo người nước ngoài và lao động người Việt hòa chung niềm vui chiến thắng trong ngày hội thao. Ảnh: Tư liệu

Liên quan đến việc xử lý những bất đồng chẳng may phát sinh trong quá trình làm việc, anh Tiến cho biết, công ty anh đã phát huy hiệu quả diễn đàn online của các tổ, đội, nhóm. Theo đó, mọi phổ biến từ lãnh đạo công ty và kiến nghị, thắc mắc từ người lao động đều được đăng tải trên các nhóm này. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý có nhiệm vụ giải thích cặn kẽ, thấu đáo, kịp thời cho người lao động trực tuyến và trực tiếp. Đây cũng là cách làm được áp dụng nhiều ở các doanh nghiệp.

Tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên, công ty đã mở các lớp đào tạo văn hóa doanh nghiệp để cải thiện quan hệ lao động. Anh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi có một bộ phận chuyên đào tạo về văn hóa doanh nghiệp và tác phong công nghiệp hàng tuần cho đội ngũ quản lý và công nhân lao động gần 3.000 người. Những nội dung đào tạo được coi như bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực giúp giảm thiểu những căng thẳng không đáng có trong quá trình làm việc. Nhờ thế mà quan hệ lao động những năm gần đây được cải thiện hơn nhiều”.

Công tác đào tạo được Công ty TNHH Haivina Kim Liên tổ chức thường xuyên và liên tục. Ảnh: Tư liệu

Để giải quyết những khác biệt về trình độ, anh Đoàn Văn Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương) chia sẻ: “Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp làm thật tốt, thật kỹ công tác đào tạo từ đầu thì sẽ tránh được điều này. Ở công ty tôi, 3.700 lao động đang làm việc đều thích nghi tốt và đáp ứng được với tất cả những yêu cầu của công ty, mối quan hệ giữa lãnh đạo người nước ngoài và công nhân Việt Nam rất tốt”.

“Thời gian tới, môi trường đầu tư ở Nghệ An sẽ tiếp tục mở rộng, doanh nghiệp FDI sẽ tăng. Khi nhu cầu tuyển dụng cao mà số lượng công nhân hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh lao động. Trong tình hình đó, doanh nghiệp nào có môi trường làm việc chuyên nghiệp, quan hệ lao động văn minh, khiến người lao động có cảm giác doanh nghiệp như ngôi nhà thứ 2 thì sẽ cơ lợi thế” - bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam nhận định.

Diệp Thanh - theo Baonghean.vn

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tháng Công nhân trở thành điểm nhấn hoạt động công đoàn của năm 2024
13:55 27/03/2024

Với nhiều kế hoạch thực hiện các khâu đột phá, năm 2024 sẽ là một năm có nhiều điểm nhấn quan trọng của tổ chức Công đoàn Nghệ An. Trong đó, Tháng Công nhân hứa hẹn nhiều hoạt động sáng tạo có tính lan toả cao.


Vấn đề thu hút lao động tại Khu kinh tế Đông Nam
15:25 05/03/2024

Năm 2024, Khu Kinh tế Đông Nam, một số dự án tiếp tục mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có nhiều khởi sắc.


Công ty may mặc lớn nhất Nghệ An dùng cơ chế thưởng để thu hút lao động
14:07 29/02/2024

Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An đang cần tuyển dụng gần 3.000 công nhân lao động trên địa bàn cho 3 nhà máy may trực thuộc.


Cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động tại địa phương
15:56 22/02/2024

Chuyển dịch lao động về địa phương lao động sản xuất đang là xu hướng và mong muốn của người lao động  và doanh nghiệp. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Giáp Giáp Thìn 2024, có hàng chục nghìn lao động người Nghệ An trở về quê có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp ngành, chính quyền các địa phương  và tổ chức công đoàn  phải vào cuộc nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm và ổn định việc làm.


Tiết lộ bất ngờ sau clip nghìn công nhân hát Quốc ca trong xưởng may
14:33 22/02/2024

Trong clip, hàng nghìn công nhân nhà máy may mặc áo đỏ sao vàng, nghiêm trang chào cờ trong tiếng Quốc ca trầm hùng khiến người xem xúc động.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP