Không có chuyện vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội
Sáng 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, nghiên cứu để xác định trong luật thời điểm chuyển xuống đóng BHXH đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu.
“Trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên người ta rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch COVID-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế dự luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, mục tiêu sau này là 10 năm.
Đối với quy định rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi phương án có ưu điểm riêng. Do đó, đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.
Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác; từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa.
“Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc hay không?”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặc biệt, Quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách.
“Tính chất quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ quỹ BHXH, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Doanh nghiệp muốn giảm tỉ lệ đóng BHXH
Góp ý cho dự thảo luật dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn Việt Nam, những nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp hơn rất nhiều. Ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Tỉ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả bảo hiểm y tế thì lên tới 32%. Cao như vậy thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội”, ông Công nói.
Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng BHXH xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
“Việc này rất khó, nhưng đề nghị cân nhắc có chủ trương giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng với các nước trong khu vực”, ông Công nêu.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Với Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Nếu làm không tốt, không có phương án phù hợp, có thể xảy ra “những điều không hình dung hết được”.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho hay, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án.
Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhắc lại 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là khó khăn.
Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra “thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được”.
Nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là “không trọn vẹn lắm”.
Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem xét thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút.